Chuẩn bị vào mùa mưa, việc thay đổi khí hậu và sơ suất trong quá trình thi công... là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thấm, dột ở các công trình xây dựng. Dưới đây là một vài giải pháp ngăn chặn và xử lý chống thấm, dột đang được ứng dụng phổ biến, đạt hiệu quả
Giải pháp tạm thời
Các bề mặt tường tiếp xúc với hướng khí hậu khắc nghiệt nên dùng biện pháp che chắn, giảm bức xạ như tạo mảng cây xanh leo có kết hợp vòi phun nước giúp cho bề mặt tường không bị co ngót đột ngột do thay đổi nhiệt độ. Đối với khu vực mái bằng, phải tính toán phân thủy hợp lý với các khoảng đánh dốc không quá dài, bố trí nhiều rãnh và lỗ thu nước. Hạn chế các chướng ngại vật làm cản hướng thoát nước trên mái như cột trang trí, bồn hoa...
Khi thấy xuất hiện vết ố bên dưới của các cấu kiện trên máng xối, ô văng, sân thượng... cần tô vữa trộn phụ gia chống thấm cho mặt trên. Hỗn hợp vữa gồm: 1 phần Latex R-5540 + 3 phần nước + (1 xi măng + 3 cát); độ dày ít nhất 1cm. Trường hợp nứt tại vị trí giữa tường đầu hồi và mái, nếu không thể trám bít hiệu quả, cần cố định những tấm nhôm mỏng bằng tắc-kê để che nước cho các vết nứt (cách tường khoảng 1 - 2cm cho khỏi đọng nước). Kiểm tra lại các ống thoát, ống tràn, không cho thoát nước thẳng vào đỉnh tường, mặt tường, các chỗ nối (mái và tường, cửa sổ và tường...). Khi lòng máng xối quá nông, nước có khuynh hướng tràn ngược lên phía trên mái, phải đục một vài lỗ tràn to ngay dưới vị trí nguy hiểm. Nên quét sơn lại để tránh mục hay han gỉ...
Sử dụng cao su và sơn
Cao su lỏng và sơn là hai loại chống thấm khá hiệu quả và được bán rộng rãi trên thị trường.
Cao su lỏng:
Đặc tính nổi bật của cao su lỏng so với các loại màng phủ bảo vệ khác là có khả năng chống xuyên
thủng rất lớn, có khả năng đàn hồi và có thể thu hồi lại đến 95% sau khi kéo dãn. Nhờ đặc tính ưu việt này mà cao su lỏng có thể sử dụng để chống thấm cho các công trình xây dựng có những vết nứt chưa ổn định. Khi phủ một lớp màng dày nhất định cao su lỏng dọc theo vết nứt. Nếu vết nứt tiếp tục phát triển thì cao su lỏng sẽ tự đàn hồi và co dãn theo.
Cao su lỏng có hai loại:
Đông cứng ngay lập tức (Spray Grade): Khi sử dụng cần có máy phun chuyên dụng và bổ sung chất kích động nhằm đẩy nhanh quá trình lưu hóa. Cao su lỏng sẽ lưu hóa ngay sau khi bám dính trên bề mặt cần thi công ở nhiệt độ thường.
Dưới dạng chổi quét (High Build): Chỉ cần sử dụng chổi hoặc con lăn quét trực tiếp cao su lỏng nguyên chất lên các bề mặt cần xử lý. Thời gian cần thiết để cao su lỏng lưu hóa là 6-12 giờ ở nhiệt độ thường.
Sơn xi-măng:
Sơn chống thấm là hệ hai thành phần, gồm chất lỏng polyme và chất bột trộn sẵn, được sản xuất trên cơ sở các polyme tổng hợp nhập ngoại, xi măng và các thành phần vật liệu chọn lọc khác. Sau khi phủ lên các bề mặt cần chống thấm sẽ tạo ra một lớp màng kín có tác dụng ngăn cản sự thẩm thấu của nước. Sơn chủ yếu được sử dụng để chống thấm các bề mặt bên trong, bên ngoài của các tầng hầm, bể nước sinh hoạt, bể nước thải, mái bằng, mái dốc ban công, tường ngoài nhà dân dụng, khu vệ sinh và bếp...
Đối với mặt phẳng thẳng đứng, tổng chiều dày của sơn nên đạt 1-2mm. Đối với mặt phẳng ngang, tổng chiều dày nên đạt 1-3mm. Ngoài ra, để tối ưu hóa khả năng chống thấm nên quét ít nhất 2 lần. Lần sau cách lần trước khoảng 10-12 giờ.
Quý khách có thể tham khảo thêm về sơn chống thấm của Anotex tại Đây