Người ta thường cho rằng “sáng tạo” là tìm cái mới, cái lạ, cái độc đáo, gây được sự chú ý của mọi người. Mà đã mới, độc đáo thì cần phải có thời gian trải nghiệm để đánh giá được giá trị.
Hiểu giá trị của sáng tạo điều quan trọng ở chỗ nó có “hay” không, đem lại cho con người ta cái gì và có đọng lại được theo thời gian để có tính bền vững và đính thực.
Sáng tạo trong kiến trúc càng “gánh” nặng hơn về ý nghĩa và sự đòi hỏi về giá trị, vì kiến trúc trực tiếp quan hệ đến cuộc sống từng cá thể cũng như môi trường xã hội xung quanh nó, thêm nữa sáng tạo kiến trúc lại trên cơ sở phải có chi phí, cho nên giá trị sáng tạo ấy ngoài việc đem lại sự thích thú về hưởng thụ thẩm mỹ, văn hóa tinh thần còn phải được lựa chọn của đa dạng đối tượng về nhu cầu vật chất (tiện nghi sử dụng) và theo khả năng trao đổi.
Hội đồng GTKTQG 2018
Kiến trúc là một yếu tố xã hội, ngoài mối quan hệ đơn phương còn lệ thuộc hữu cơ với sự hòa nhập chung của môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội đã được nhà nước định hướng và quản lý sự phát triển.
Nhìn nhận sáng tạo kiến trúc có thể ở nhiều khía cạnh như sự độc đáo, mới hay giải pháp thông minh…
Nếu “độc đáo” là cái mới lạ chưa từng có, hoặc chưa từng thấy thì nó thường là duy nhất mang tính cá biệt và dành cho cá thể.
Khi lựa chọn độc đáo, cái mới lạ nổi trội thì phải chấp nhận các giá trị khác yếu hơn thậm trí khiếm khuyết.
Còn sáng tạo những “giải pháp thông minh” trên cơ sở mọi giá trị đều đạt được chuẩn mực nhưng ở một vài giải pháp tác giả đã giải quyết hay hơn, phù hợp hơn, kinh tế hơn, theo xu thế hơn, có khả năng phát huy và phục vụ đa số cộng đồng… và được thể hiện ở nhiều lĩnh vực như thẩm mỹ (hình thức kiến trúc, trang trí nội ngoại thất), sử dụng vật liệu, áp dụng kỹ thuật công nghệ mới, an toàn môi trường.
Giải thường Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) của Hội KTS Việt Nam nhiều năm qua đã bao quát được tinh thần sáng tạo của giới nghề – Không bỏ sót những sáng tạo độc đáo có tính cá biệt – đơn chiếc nhưng chú trọng hơn yếu tố sáng tạo trong các giải pháp thông minh.
Công trình: Bắc Hồng – Giải Nhất Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018 – Hạng mục: Nhà ở Nông thôn
Nền kiến trúc Việt Nam mới đi sau và phát triển chậm so với nước ngoài trong điều kiện còn hạn chế nhiều mặt (thể chế, đầu tư, con người) không thể tham vọng sáng tạo đột biến (thực tế đã cho thấy điều đó) và thiên hướng sáng tạo trong áp dụng các tiến bộ của thế giới vào kiến trúc Việt Nam để vừa song hành được với xu hướng thời đại, vừa thích ứng với hoàn cảnh xã hội, đặc thù thiên nhiên, văn hóa con người Việt Nam. Sáng tạo ấy phải có được giá trị phổ cập vào được cuộc sống rộng rãi, góp phần định hướng cũng như tạo lập nền kiến trúc Việt Nam mới: Hiện đại, bản sắc, nhân văn, sinh thái, phát triển bền vững …
GTKTQG “cổ súy” những sáng tạo, nhưng “tôn vinh” thì chỉ những ý tưởng và thể nghiệm khởi đầu mang tính tiền đề. GTKTQG những năm gần đây (2016, 2018) có biểu hiện của một sự ngộ nhận. Các công trình theo model mốt thời trang, cứ tre vầu quấn kết, cây xanh giải pháp mặt nhà và trên mái, gạch đỏ gạch lỗ hoa rồng nung đỏ tạo vỏ công trình, bịt hết tầm nhìn từ trong, kiến trúc khối hộp xa lạ với công năng… được cho là “sáng tạo” mới nên tham gia giải thưởng khá nhiều và trùng lặp.
Mặc dù chỉ là những kiến trúc nhỏ nhưng nếu mang những ý tưởng ấy tạo kiến trúc cho một vùng nông thôn hay một khu đô thị thì không dễ chấp nhận được. Trong lúc kiến trúc lớn, kiến trúc đại trà, kiến trúc hiện đại cho một thế hệ con người mới Việt Nam đã nghĩ và cố gắng làm chưa tới, đừng để cho người nước ngoài thay thế.
Sự cảnh báo này không chỉ với KTS chúng ta mà xa hơn về mặt chiến lược tới các nhà hoạch định và quản lý Nhà nước.
Theo Tạp chí kiến trúc